Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thì hệ lụy của mạng xã hội cũng gây ra đối với đời sống chính trị - xã hội đang ở mức báo động. Liên tục những vụ tạo tin giả mạo, tin giật gân để câu like (thích), câu share (chia sẻ) xảy ra thời gian qua, khiến dư luận xã hội bất bình.
Thực tế, có nhiều người lợi dụng mạng xã hội để tung tin giả, tin xấu để trục lợi cá nhân. Nhưng cũng có người dùng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, v.v.. Và dĩ nhiên, có người vì nhận thức kém mà tiếp tay cho thông tin xấu, thông tin chưa được kiểm chứng, bằng cách vội vàng chia sẻ, lan truyền. Đáng ngại hơn, những năm gần đây, mạng xã hội được các thế lực thù địch xấu ở trong và ngoài nước lợi dụng, sử dụng để tăng cường hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin xấu độc, xuyên tạc với mức độ, tần suất ngày càng nhiều, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Việc không thể kiểm soát thông tin hoặc đua đòi theo những trào lưu vô cảm, lệch lạc, thiếu văn hóa, văn minh đang biến các trang mạng xã hội thành những “cái bẫy” nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là với lứa tuổi học trò, với tuổi trẻ v.v..
Điển hình như gần đây, một đối tượng bất hảo, nhưng lại được nhiều cô cậu học trò chào đón như thần tượng, khiến nhiều người giật mình. Thật buồn thay khi những thứ mà giới trẻ tìm kiếm hay những video được xem nhiều trên mạng xã hội chẳng phải là nội dung học tập, kĩ năng sống hay giải trí lành mạnh, mà là những thứ vô bổ, nhảm nhí, thậm chí đầu độc tâm hồn, tư tưởng của người dùng, v.v..
Ở tại Việt Nam, hiện có hàng chục triệu người sử dụng mạng xã hội. Nhưng tiếc là khi tham gia, nhiều bạn trẻ hiểu biết không đầy đủ nên cho rằng, các trang cá nhân là “nhà của mình”, là nơi thoải mái đăng mọi thứ, thể hiện quan điểm mà chẳng đoái hoài, suy nghĩ về tác hại hậu quả tiêu cực. Mặt trái của mạng xã hội nhức nhối đến mức, mới đây trong bài viết đăng trên Washiton Post ngày 31/3/2019, chính Mark Zuckerberg, nhà sáng lập và là CEO của mạng xã hội Facebook, cũng cho rằng: “Cần đưa ra những điều luật mới để cải thiện các vấn đề trên mạng internet, giúp bảo vệ những điều tốt đẹp nhất của nó”.
Để giải quyết hiệu quả những vấn đề mặt trái của mạng xã hội, ngăn chặn tác động tiêu cực, trước hết vẫn cần sự vào cuộc của cơ quan quản lí với những giải pháp kĩ thuật và pháp lí để hạn chế sự lây lan của những thông tin xấu, độc. Trong đó, công nghệ để kiểm soát cần quan tâm nhiều hơn và đi cùng là những quy định cụ thể để người dùng có nhận thức, trách nhiệm hơn với những gì đăng tải trên mạng xã hội. Phải khẳng định, luật pháp nghiêm khắc là cách tốt nhất để đưa mọi thứ vào khuôn khổ, hữu ích. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có luật cho lĩnh vực thông tin mạng xã hội. Nếu đưa ra những thông tin không chính xác, mang tính kì thị và gây hại cho người khác hay cho cộng đồng, đều sẽ bị xử phạt, nếu vi phạm pháp luật phải xử lí hình sự.
Thiết nghĩ, về ý thức, thái độ của mỗi người khi sử dụng mạng xã hội là vô cùng quan trọng. Đừng nghĩ rằng, có thể dùng bàn phím máy tính mà thoải mái làm những thứ mình thích; phải suy nghĩ trước khi đăng nội dung, thể hiện ý kiến của mình mà không gây tổn thương cho người khác, thậm chí đẩy một người nào đó, hoặc chính mình, đến những rắc rối và nguy hiểm. Nói cách khác là mỗi người phải tự xây dựng cho mình một bản lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào thế giới ảo nhiều cạm bẫy này, khi sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết./.
Phạm Tiến Dũng
Link nội dung: https://songtre.vn/y-thuc-trach-nhiem-khi-su-dung-mang-xa-hoi-139.html