Từ “Hôi của” tới “Giải cứu” - Tín hiệu đáng mừng về đạo đức xã hội

Ngày 15/3/2023, một xe container chở xoài bị lật khiến hơn 30 tấn xoài được chở từ tỉnh An Giang ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ bị đổ tung tóe ra đường tại địa phận xã Đan Trường (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Nhận được thông tin, người dân địa phương cùng lực lượng chức năng có mặt giúp tài xế "giải cứu" số xoài trên.

u-1679023843-1679035782.jpg
Hiện trường một vụ “hôi của”. Ảnh: NLĐ

Nhiều người dân cũng đã đăng tải vụ đổ xe lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người đến hỗ trợ tài xế. Tính đến chiều 16/3/2023, người dân đã hỗ trợ, thu gom được hơn 20 tấn xoài.

Điều đáng mừng là việc “giải cứu”, thu gom, mua hộ hàng cho những tài xế bị tai nạn lật xe đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội ngày nay. Dường như khi có thông tin nào về lật xe, đổ hàng là có tin người dân giải cứu đến đấy. Ví dụ vụ tai nạn xảy ra chiều 26/3/2018, chiếc xe tải biển số 51C-646.01 khi đang lưu thông trên đường Mỹ Phước Tân Vạn đoạn qua P.Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) thì bị đổ, hàng trăm thùng bia đổ xuống đường. Ngay sau đó, người dân đã giúp tài xế thu gom toàn bộ số bia lên xe.

Vào khoảng 16 giờ ngày 25/02/2019 tại ngã tư giao nhau giữa đường Mỹ Phước Tân Vạn và ĐT743 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, một chiếc xe tải bị lật khiến hàng trăm thùng nước ngọt đổ xuống đường và gây ùn tắc giao thông. Nhiều người dân đã hỗ trợ tài xế đưa các thùng nước lên lề đường. Ngày 04/05/2019, xe container bị lật, khiến 32 tấn hạt điều khô bị hất văng xuống, tràn đầy hai mặt đường. Nghe tiếng động lớn, nhiều người dân sống xung quanh khu vực liền chạy đến, đưa tài xế Quang đang mắc kẹt trong cabin ra ngoài. Hàng chục người dân địa phương cũng đến hỗ trợ thu gom 32 tấn hạt điều bị đổ tràn ra đường sau khi xe bị lật. Hoặc như vụ việc xe chở bia bị lật tại Đồng Nai vào ngày 9/11 năm ngoái, nhiều người dân đã giúp đỡ tài xế thu gom lại số bia đã bị rơi và quét dọn đoạn đường rất gọn gàng. Một vụ việc khác, vào chiều 18/11, chiếc xe tải do tài xế Nguyễn Quốc Phú điều khiển bị lật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thùng xe bị hư hại và 800 con vịt thoát khỏi lồng, gây tắc nghẽn giao thông. Hơn 40 người dân đã giúp lái xe thu gom số vịt lại.

Nhớ lại, trong quá khứ, khi xảy ra những vụ tai nạn như vậy, người ta không những không cứu giúp mà còn xúm vào lấy hàng hóa. Điều này được gọi là hiện tượng "hôi của" trong xã hội. Hồi đó, báo chí đã thống kê có mấy loại hôi của là: Hôi bia: Người đi đường lợi dụng xe tải chở bia bị lật (tại TP Biên Hòa, Đồng Nai ngày 4/12/2013) hôi bia mặc cho tài xế cố sức van nài, thậm chí gào khóc thảm thiết. Chỉ sau 15 phút, 1500 thùng bia bị văng xuống đường đã bị gom sạch. Hôi dầu: Giữa tháng 3/2013, trên quốc lộ 1A đoạn Ngã ba Vũng Tàu, Đồng Nai, một chiếc xe tải chở dầu nhờn bị lật. Tài xế phải phá cửa xe để thoát ra, hàng trăm thùng dầu nhớt loại 18 lít bị đổ ra đường. Ngay sau đó, đông đúc người dân ven đường đã xông vào cảnh hỗn loạn, tranh nhau múc dầu bị tràn ra đường và lấy những thùng còn nguyên vẹn. Hôi thức ăn gia súc: Ngày 12/8/2012, một xe tải chở hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho vịt khi di chuyển trên quốc lộ 1A đã bị lật nhào xuống ruộng tại tỉnh Bình Định. Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân địa phương xông vào mang thức ăn cho vịt về nhà. Hôi tiền của người bị cướp: Ngày 16/6/2011, người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh (Q.5, TP.HCM) thì bị 2 tên cướp từ phía sau giật giỏ xách. Vì giằng co mạnh, túi bị rách và số tiền 50 triệu bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh lộn xộn, nhiều người dân ào ra giữa đường nhặt số tiền bị rơi ra trước sự thẫn thờ và bất lực của nạn nhân… Đó đã là chuyện dĩ vãng. Khi đó, các hiện tượng hôi của đã được báo chí phản ánh, phê phán, dư luận cộng đồng, thông qua mạng xã hội, lên án kịch liệt. 

Thật đáng mừng, chuyện “Hôi của” diễn ra khá phổ biến vào những năm 2011 - 2013, nay đã chuyển thành “Giải cứu", thể hiện một sự thay đổi tích cực về tinh thần và đạo đức xã hội của người Việt, đồng thời cho thấy sức mạnh của tình đoàn kết trong cộng đồng.

Để đạt được kết quả tốt đẹp này, có thể thấy do mấy nguyên nhân sau:

Sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội: Phương tiện truyền tải thông tin và kêu gọi hỗ trợ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter... giúp thông tin được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng đến với nhiều người hơn, giúp tăng cơ hội hỗ trợ cho những người bị tai nạn. Với các hiện tượng tiêu cực, trong đó có “Hôi của”, báo chí và dư luận cộng đồng đã liên tục phê phán, công kích, khiến cho những người vi phạm phải suy nghĩ, định hướng lại nhận thức và hành động.

Giáo dục và truyền thông: Giáo dục và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giá trị và đạo đức xã hội của mỗi người dân. Người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác, đồng thời cũng nhận thức được tác hại của việc lợi dụng hoàn cảnh bất hạnh của người khác để trục lợi.

Tình hình kinh tế và xã hội: Khi đất nước phát triển và kinh tế ổn định hơn, người dân có thể tập trung vào giá trị đạo đức và nhân văn, giúp thúc đẩy tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người dân. Khi một quốc gia phát triển và kinh tế ổn định hơn, người dân sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận với các giá trị đạo đức và nhân văn, đồng thời cũng có thể tập trung nhiều hơn vào việc giúp đỡ lẫn nhau.

Sự tăng cường của các tổ chức xã hội: Các tổ chức xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tinh thần đạo đức của người dân. Nhờ vào các hoạt động của các tổ chức này, những hành động giúp hỗ trợ lẫn nhau đã được khuyến khích và lan tỏa rộng rãi hơn.

Truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau của người Việt: Triết lý "Thương người như thể thương thân", “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… luôn luôn tiềm ẩn trong cuộc sống và phát huy tác động tích cực khi cần thiết, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt.

Tóm lại, sự chuyển biến tích cực từ "Hôi của" sang "Giải cứu" là một tín hiệu đáng mừng về đạo đức xã hội, đồng thời cũng cho thấy sự tiến bộ của mỗi cá nhân và xã hội Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và giá trị đạo đức, giúp xây dựng một xã hội văn minh, nhân văn và phát triển bền vững./.

Chúc Sơn

Link nội dung: https://songtre.vn/tu-hoi-cua-toi-giai-cuu-tin-hieu-dang-mung-ve-dao-duc-xa-hoi-141.html