Kiến nghị cần tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong ít nhất 2 năm tới

Ngày 15/3, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức Hội thảo Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

can-tam-hoan-sua-doi-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-it-nhat-2-nam-toi-1-1678961130.jpg
Các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Trước đó, ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính gửi văn bản số 1585/BTC-VCS lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; các hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Trong đề xuất lần này có 2 chính sách đáng lưu ý là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB; Và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Phát biểu đề dẫn, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế cho biết, VCCI luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, liên kết và huy động các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.

Ông Tuấn nhấn mạnh, Thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Một sắc thuế tiêu thụ đặc biệt tốt thì ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ; cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng thuế tiêu thụ đặc biệt đáp ứng được yêu cầu cao hơn, đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chính sách được đề xuất lần này có đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 không? Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, trong khi doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn?... Vì vậy, chúng ta cùng nhau thảo luận, đóng góp xây dựng, đưa ra các đề xuất, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và khoa học, có học tập kinh nghiệm quốc tế để chuyển tải tới Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan.

can-tam-hoan-sua-doi-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-it-nhat-2-nam-toi-1678961165.jpg
Cần tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong ít nhất 2 năm tới

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng hiện chưa phải thời điểm để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong ít nhất 2 năm tới. Đồng thời, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp với tình hình thực tế.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, phải xem xét đến thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại có phù hợp hay không? “Trước mắt, chúng ta chưa nên có những xáo trộn nhiều về thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn nên giữ như vậy. Giai đoạn chuyển tiếp có thể bắt đầu làm thí điểm, ở mức độ cẩn trọng và phải từ năm 2026 trở đi”.

Ông Đỗ Thái Vương – Trưởng tiểu ban nước giải khát, Hiệp hội VBA kiến nghị Chính phủ không nên sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt vào lúc này. Bởi doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành nước giải khát đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hậu Covid-19 như giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí logistics tăng; lạm phát… Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp thực sự cần một môi trường chính sách ổn định, đặc biệt là thuế, phí để có thể quay lại mức tăng trưởng như trước đại dịch. Từ đó, thực hiện một cách bền vững hơn nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cũng bày tỏ, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Phúc cho biết, áp lực chi phí nguyên vật liệu đã vượt qua khả năng gánh chịu của doanh nghiệp. Do đó cần tạm hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và về lâu dài, cần xem xét lại phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các chuyên gia cũng đưa ra 5 lý do chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ nhất, ngành rượu bia bị đề xuất điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này là chưa đảm bảo sự hài hòa giữa các thành phần kinh tế trong cùng bối cảnh khó khăn như nhau.

Thứ 2, mức tăng nguyên vật liệu đã vượt quá khả năng gánh chịu của doanh nghiệp. Giá bán rượu, bia đang tăng trên 10% cao hơn tỷ lệ tăng lạm phát (4%), ngay cả cao hơn thu nhập bình quân đầu người (9,5%).

Thứ 3, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm bia sẽ chỉ khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống; Mặt khác, tăng thế sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành đồ uống sẽ dẫn đến sụt giảm về số thu ngân sách xét một cách tổng quan nguồn thu từ tất cả các loại thu.

Thứ 4, hạn chế lạm dụng rượu bia, nghiêm cấm tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, v. v.. là các biện pháp hiệu quả hơn giúp hạn chế nguồn gốc gây tác hại của rượu bia.

Thứ 5, theo thông lệ quốc tế, giữ ổn định chính sách thuế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động để đảm bảo nguồn thu bền vững vừa giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn./.

Hàn Băng

Link nội dung: https://songtre.vn/kien-nghi-can-tam-hoan-sua-doi-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-it-nhat-2-nam-toi-99.html