Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỉ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kì năm 2019), đạt 70% so kế hoạch...
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, phân tích tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp phát triển du lịch thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch... Các đại biểu cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kì vọng một phần do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường, đẩy mạnh khai thác thị trường mới, vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống; chính sách visa chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh; ngành Du lịch thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm; liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, còn hình thức; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn…
Các đại biểu đề nghị triển khai, thực hiện thật tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế đất, giá điện cho các cơ sở kinh doanh du lịch; tiếp tục hỗ trợ, tăng kinh phí cho quảng bá, xúc tiến du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quốc tế đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam… để tạo đột phá, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu; sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP, nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư đầu tư cho hạ tầng du lịch…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn"; tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; khai thác hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh…/.