Nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục và quản lí trẻ em

Thời gian gần đây, tại các địa phương phía Nam xảy ra nhiều vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tội phạm vị thành niên của lực lượng Công an, chính quyền các cấp, các gia đình cần coi trọng, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lí con em mình...

Nhiều vụ việc phức tạp vi phạm pháp luật

Công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng vừa phát hiện Đ.T.H, sinh năm 2010, liên tiếp thực hiện 5 vụ trộm 5 chiếc xe máy tại nhiều điểm trên địa bàn. Cũng tại Đà Nẵng, Công an quận Hải Châu đã xác định 2 em B và H, cùng sinh năm 2008, có hành vi đi xe máy phân khối lớn, dùng điếu cày đập vỡ gương ô tô bên đường. Các em khai nhận “do đi đường thấy vướng víu” nên đã đập xe (!).

Trung tá Nguyễn Công Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, chúng tôi đã xử lí hàng chục trường hợp trẻ em điều khiển xe máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm… phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều gia đìnhbất ngờ khi biết các hành vi vi phạm của con em mình”.

2651-3-custom20230317084531-1679018500.jpg
Phụ huynh chú trọng hơn trong việc quản lí giáo dục con em mình. Ảnh minh hoạ

Còn tại tỉnh Bình Phước, tháng 10/2022, Công an TP Đồng Xoài, bắt nhóm gồm 12 thiếu niên, tuổi 15-16 tuổi trên địa bàn đã thực hiện 2 vụ đánh người, cướp tài sản, làm 2 người bị thương. Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, Công an TP Thủ Dầu Một đã phát hiện nhóm đối tượng hơn 10 thanh thiếu niên, trong đó có 8 em chưa đủ 18 tuổi, vô cớ chặn xe, chém ô tô của người qua đường giữa đêm vắng.

Đến nay, nhiều người vẫn bàn tán về vụ 5 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sóc Trăng bị kỉ luật nặng sau khi có hành vi bạo lực với 2 thiếu niên đi xe máy phân khối lớn, phóng tốc độ cao, chạy trốn suốt 30 km tại thị xã Vĩnh Châu. Anh Hoàng Đăng Khôi, ngụ tại đường Nam Sông Hậu (thị xã Vĩnh Châu) nhận xét: “Ít người nhắc đến vai trò quản lí, giáo dục con em mình của gia đình trong vụ này. Một em nhỏ 15 tuổi bỏ học, được cha mẹ mua xe máy phân khối lớn để đi lại, như vậy là không chấp nhận được”.

Tăng cường quản lí, giáo dục con em

Khi Đội cảnh sát Giao thông-Trật tự, Công an quận Ngũ Hành Sơn mời phụ huynh và 2 học sinh cùng 15 tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn và không đội mũ bảo hiểm đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu kí cam kết không tái phạm. Người giao xe cho các em cúng bị xử phạt. Có mặt tại cơ quan công an, ông D.H.V (phụ huynh của một trong 2 thiếu niên vi phạm) cho biết, gia đình sẽ rút kinh nghiệm và không cho con điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Vì nhà xa trường học, vợ chồng ông phải lại đi làm sớm nên cháu tự lấy xe đi học. Ông V cam kết, sau vụ việc này sẽ quan tâm đến con nhiều hơn.

Theo kết quả một cuộc điều tra do Bộ Công an tiến hành vừa được công bố đầu tháng 10/2022, chỉ có 29,6% các gia đình có ý thức trách nhiệm trong việc quản lí giáo dục con em, còn 70,4% là chưa làm tốt phần việc này. Có những em đi chơi cả đêm hay bỏ học nhiều ngày mà gia đình không biết. Đặc biệt, có đến 83,3% các em đang ở độ tuổi đi học đa từng một lần bỏ học..

Nhằm tăng cường vai trò của gia đình trong quản lí con em, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động thiết thực. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết: “Hiện, toàn tỉnh có trên 430 câu lạc bộ, tổ phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội, tổ phụ nữ không cò người thân vi phạm pháp luật… với trên 6.670 thành viên hoạt động tích cực, chủ động quản lí giáo dục con em nhận thức đúng, tham gia ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình”.

Công an các địa phương cũng tăng cường phối hợp với nhà trưởng tổ chức các buổi nói chuyện nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, riêng trong tháng 9/2022, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp tổ chức 103 buổi tuyên truyền, với 116.578 hoc sinh các cấp và gần 4.900 thầy cô giáo tham gia về tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông và các quy định pháp luật khác.

TS Phạm Thị Thùy, Chuyên viên tâm lí Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong các yếu tố tác động khiến trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn (môi trường sống; vai trò của nhà trường; vai trò của gia đình; tác động mặt trái xã hội xã hội) thì vai trò gia đình là quan trọng nhất. Gia đình là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của các em từ khi sinh ra đến khi lớn lên. Mong các bậc phụ huynh chú trọng hơn trong việc quản lí giáo dục con em mình, đừng để khi những sự việc đau lòng xảy ra mới thức tỉnh, bởi sẽ là qúa muộn”./.