Người mẹ bị lừa 200 triệu đồng chuyển tiền cho con phẫu thuật cấp cứu

Nhận được điện thoại báo con bị ngã từ tầng 3 ở trường, người mẹ lập tức chuyển 200 triệu để con được phẫu thuật gấp. Sau khi chuyển tiền, người mẹ liên lạc với nhà trường mới biết bị lừa. Đáng tiếc là chiêu lừa của những kẻ xấu kiểu này đã được phanh phui, cảnh báo đầy trên báo chí, không hiểu sao người dân không đọc, vẫn để bị lừa?!

Ngày 15/3, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết mới tiếp nhận đơn trình báo của phụ huynh học sinh về việc bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng màn kịch "con cấp cứu, chuyển tiền gấp".

Theo đơn trình báo, chị V.T.H. (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai) cho hay, khi chị đang làm việc ở công ty thì nhận được điện thoại từ số +84707118406 tự xưng là giáo viên nhà trường, thông báo con chị là cháu L.G.B. (đang học lớp 10A1 trường chuyên Khoa học Tự nhiên) bị ngã từ tầng 3 của trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch.

Sau đó, chị H. được nối máy đến người tự xưng là bác sĩ yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật gấp. Chị H. đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản do người này yêu cầu. Sau khi chuyển tiền, chị H. đã liên lạc với nhà trường mới biết bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

0803-2-1678959960.jpg
Hình ảnh minh họa

Trước đó, lúc 15h30 ngày 13/3, anh L.X.H. (SN 1980, trú tại Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đang làm việc tại tòa nhà Golden Palace, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) thì nhận được điện thoại từ số 0774.105.315.

Người này giới thiệu là giáo viên, thông báo con gái anh là L.T.M. (sinh viên) bị ngã từ tầng 3 nhà trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện 354 trong tình trạng rất nặng, yêu cầu anh H. chuyển ngay 40 triệu vào tài khoản do đối tượng ấn định để làm thủ tục mổ gấp. Sau khi chuyển tiền, anh H. xác minh lại từ nhà trường thì phát hiện bị lừa nên trình báo công an.

Cơ quan chức năng đã cảnh báo thủ đoạn này rất nhiều trên báo chí, mạng xã hội trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nhiều người vẫn không nắm được dẫn đến bị các đối tượng xấu chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Liên quan đến hàng loạt các vụ lừa đảo “chuyển tiền cấp cứu” cho con, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, các đối tượng dùng thủ đoạn đánh vào tâm lý của các bậc phụ huynh khiến họ lo lắng, hoang mang và làm theo yêu cầu chuyển tiền… Đối với thủ đoạn này, ngành giáo dục phải tuyên truyền ngay cho phụ huynh bởi các vụ việc xảy ra vừa qua đều nhằm vào các gia đình có con em đang ở lứa tuổi học sinh".

Thiếu tướng Hải nói, công tác phòng ngừa vấn đề này không khó, trước mắt, ngành công an cần phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền sâu rộng đến cha mẹ các em học sinh. Như phát tờ rơi cho các em học sinh mang về đưa cho bố mẹ xem để nắm được thông tin thủ đoạn lừa đảo để chủ động phát hiện, tố giác. Hoặc nhà trường có thể sử dụng các hội nhóm chung giữa cô giáo và phụ huynh để tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo mới nhằm cảnh báo.

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự nhẹ dạ của một số cá nhân, đặc biệt là người lớn tuổi. Điển hình như việc gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án ma túy, tai nạn cần phải chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của chúng để xác minh. Khi nghe thông tin đó, một số người sẽ có tâm lý “cuống” và làm theo yêu cầu của chúng. Cho đến thời điểm hiện tại, các trò lừa đảo gọi điện mạo danh là công an, viện kiểm sát, tòa án… thông báo điều tra các vụ án ma túy, tai nạn vẫn còn "đất sống", bởi một số nạn nhân đặc biệt là người già ít tiếp cận với các thông tin báo chí, cảnh báo của cơ quan công an.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải nói thêm, trong các vụ án lừa đảo nói trên khi nạn nhân đã chuyển tiền, phát hiện mình bị lừa và trình báo cơ quan công an, thì tiền trong tài khoản đã bị các đối tượng rút hoặc chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để tẩu tán tài sản, khả năng thu hồi rất thấp. Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại không chính chủ và tài khoản mạng xã hội ảo gây khó khăn trong công tác điều tra xác minh.

Hiện hoạt động mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch thương mại điện tử rất phổ biến và một số người dân lơ là, chủ quan khi sử dụng mạng xã hội, internet dẫn đến việc lộ, lọt thông tin cá nhân xảy ra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng.../.