Tiến sĩ 9x kể kỷ niệm "đánh liều" đi du học khi ngoại ngữ bằng 0

Sống Trẻ

“Mình từng có suy nghĩ muốn bỏ hết để về nước ngay trong năm đầu tiên tại Pháp. Nhưng rồi cứ “tặc lưỡi” cố một chút…”, chàng tiến sĩ trẻ nhớ lại.

cd71cfa6d3e81bb642f9-9310-1678972747.jpg
Anh Hưng tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Sau 11 năm du học tại Pháp, tiến sĩ trẻ Trần Lê Hưng (sinh năm 1991) trở về Việt Nam và hiện là giảng viên Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, bộ môn Công nghệ Xây dựng - Giao thông.

“Đánh liều” đi du học khi ngoại ngữ bằng 0

Hưng có năng khiếu học các môn khối tự nhiên từ nhỏ và nổi trội nhất là môn Lý. Lên cấp 3, chàng trai thi đỗ chuyên Lý của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và thường xuyên có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lý.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12 (năm 2009), Hưng nhận được học bổng đi du học Pháp. Đứng trước cơ hội tiếp cận với môi trường học tập quốc tế, chàng trai năm ấy đã “đánh liều” đi du học mặc dù vốn ngoại ngữ bằng 0. Anh nhớ lại: “Mình học kém tiếng Anh, mình muốn tiếp cận một ngôn ngữ mới hoàn toàn. Vali đi du học ngày ấy của mình chỉ có quần áo, không có kiến thức và nền tảng về tiếng Pháp”.

Năm 2014, Trần Lê Hưng là kỹ sư tại trường Université Pierre et Marie Curie (Pháp). Năm đầu học ở Pháp, anh không đạt được thành tích học tập nổi bật, điểm số ở mức vừa qua môn. Ngoài các môn học đại cương, anh phải học thêm 6 giờ học tiếng Pháp/tuần.

“Học tiếng Pháp do người Pháp dạy nên mình không tiếp thu được mà phải dịch sang tiếng Anh rồi dịch về tiếng Việt để hiểu. Tâm lý học ngoại ngữ lúc đó của mình khá thụ động, chỉ học tiếng để hiểu được các môn chuyên ngành. Có những môn học đến lúc đi thi thì mình không hiểu đề, dẫn đến trả lời theo cảm tính nên hay bị điểm kém. Mình khá buồn vì ở Việt Nam học không đến nỗi nào mà điểm số học kỳ đầu ở Pháp lại quá thấp”, anh Hưng kể về "cú sốc" ngoại ngữ thời gian đầu du học.

Nỗi lo thích nghi với môi trường mới, áp lực học ngoại ngữ, hòa nhập văn hóa… đã khiến anh suy nghĩ quá nhiều, khủng hoảng tinh thần, stress kéo dài vào cuối năm nhất.

Chia sẻ với Tiền Phong, anh Hưng trần thuật: “Lúc ấy, mình muốn bỏ hết để về Việt Nam nhưng lại nghĩ đến ngày đầu quả quyết đi du học. Mình tâm sự với người bạn Pháp cùng phòng trong ký túc xá và muốn được cho lời khuyên. Không ngần ngại, bạn mình mời đến nhà dự lễ Noel cùng gia đình. Mình gặp mẹ của bạn (làm giáo viên) chia sẻ, chào đón, rồi động viên: “Tiếng Pháp là một ngoại ngữ khó học, cháu cần thêm thời gian để lĩnh hội và tạo cảm hứng học. Đừng nản nhé!”. Sau đó, cả gia đình bạn ấy dẫn mình đi biển, đi xem phim, đi đá bóng... để khám phá về miền Bắc nước Pháp. Qua những dịp đi chơi, tham quan ngắn ngày, mình đã có cảm hứng và muốn hòa nhập bản thân với cuộc sống nơi đây”.

7a7a0218e3572b097246-3768-1678972778.jpg
 

Được vực lại tinh thần, Hưng bắt đầu cởi mở và chơi cùng các bạn người Pháp nhiều hơn để học giao tiếp bằng tiếng Pháp.

3 năm sau, anh mới tự tin nói và đọc hiểu tài liệu bằng tiếng Pháp. Các môn học chuyên ngành trở nên nhẹ nhàng hơn và anh bắt đầu đạt thành tích cao trong học tập.

Bí quyết để chàng trai 9x cải thiện ngoại ngữ: “Muốn học tốt tiếng Pháp, hãy tạo tối đa điều kiện tiếp xúc, hãy nói chuyện, làm quen với nhiều người bản địa, trình độ ngoại ngữ sẽ cải thiện lên nhanh”.

Những năm đầu tuy “lạ nước lạ cái”, ngoại ngữ kém nhưng Hưng vẫn tìm đến các công việc làm thêm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập như: làm phụ bếp, bồi bàn, giao sushi…

Anh kể: “Ngoài học bổng, mình vẫn cần một khoản tiền để chi tiêu cá nhân nên đã chọn đi làm thêm. 5 năm đầu mình làm thêm các công việc chân tay không yêu cầu bằng cấp, linh động về thời gian lại dễ ứng tuyển”.

Từ năm 2014 đến 2016, Hưng tiếp tục theo học thạc sĩ tại trường Université Pierre et Marie Curie (Pháp). Thời gian này, anh được tuyển chọn trợ giảng, hướng dẫn các bạn sinh viên năm nhất, năm 2 môn Toán cao cấp và đi trực thư viện.

Theo anh, việc đi làm thêm ở nước ngoài là điều bình thường và bất kể bạn du học sinh nào cũng trải qua. Ngoài nhu cầu về thu nhập, anh đi làm thêm để được giao tiếp bằng tiếng Pháp nhiều hơn, kết bạn nhiều hơn… hay đơn giản như làm phụ bếp để học nấu ăn theo khẩu vị của người Pháp.

f5d6104f0c01c45f9d10-2564-1678972808.jpg
Anh Trần Lê Hưng (ở giữa) chuyển công tác về Việt Nam và hiện là giảng viên bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

“Tặc lưỡi” học lên Tiến sĩ

Bước ngoặt lớn của anh từ năm 2016 đến đầu năm 2021 là trở thành nghiên cứu sinh và tham gia công tác giảng dạy tại trường Ecole des Ponts ParisTech (Pháp).

Anh Trần Lê Hưng quan niệm, học cử nhân là khoảng thời gian giới thiệu, mô phỏng về ngành, học thạc sĩ để nâng cao chuyên môn, lên tiến sĩ là nghiên cứu và giảng dạy chứ không đơn thuần chỉ lấy cái bằng cho “oai”.

“Năm nhất nghiên cứu sinh (2017), mình duy trì thời gian biểu hoạt động về đêm nhiều hơn ban ngày. Ngày ấy mình cùng nhóm 3 bạn làm nghiên cứu với 3 đề tài khác nhau. Ban ngày từ 14h đến 18h chiều, nhóm làm việc tại phòng lab, từ 18h chiều đến 5h sáng hôm sau thì chúng mình bắt tay vào nghiên cứu bởi đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất trong ngày”, anh kể.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, anh Hưng cũng tích cực tham gia các hoạt động hướng về Việt Nam như: Đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I năm 2018; lần thứ II năm 2019… để kết nối với nhiều trí thức trẻ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội.

Tháng 2/2021 đến nay, anh Trần Lê Hưng đã chuyển công tác về Việt Nam và hiện là giảng viên bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Bày tỏ quan điểm cá nhân trước câu hỏi “Tiến sĩ làm gì?”, anh Trần Lê Hưng nói: “Bằng tiến sĩ là sự công nhận cho cá nhân có khả năng nghiên cứu độc lập, ghi nhận một quá trình phấn đấu trong thời gian dài. Vì vậy, cá nhân mình không muốn “thần thánh hóa” tấm bằng tiến sĩ hay làm vẻ vang cả nhà. Mình coi đó là một bước đệm để cố gắng, để gắn bó trong sự nghiệp giảng dạy, giúp sinh viên tự tạo ra giá trị của bản thân”.